Lastest news

Featured news

Không có sản phẩm, tài nguyên cũng vô nghĩa
There are no translations available.

Theo quy hoạch, TP.HCM có 109 tuyến sông, kênh, rạch có chức năng giao thông thủy với tổng chiều dài 973 km bao gồm tuyến hàng hải, tuyến đường thủy nội địa.
Buýt sông TP.HCM được cho là phục vụ du lịch là chính chứ chưa đáp ứng nhu cầu di chuyển thường xuyên
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Nhưng số liệu từ Sở GTVT chỉ ra rằng trung bình mỗi năm, chỉ có khoảng 1 triệu người sử dụng phương tiện đường thủy để di chuyển.
Không những vậy, hầu hết các tour du lịch đường sông trên địa bàn TP đều nhanh chóng rơi vào tình trạng “chết yểu”. Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Du Ngoạn Việt, đơn vị khai thác tuyến du lịch đường sông đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, lý giải ngoài việc ô nhiễm môi trường nước, người Việt chưa có thói quen du lịch trên sông, thì khó khăn lớn nhất trong khai thác du lịch đường thủy hiện nay còn nằm ở việc đầu tư bến bãi và cảnh quan ven bờ.
TP.HCM mới đầu tư 8 bến sông từ kênh Tàu Hủ đến Q.9, Rừng Sác, Bình Khánh... Tuy nhiên, các bến này chỉ như bến đò ngang vận chuyển khách, không phải bến du lịch đúng nghĩa. Có bến rồi, kết nối giao thông cũng là một vấn đề cần tính toán để thuận tiện cho việc di chuyển vào sâu các điểm đến. Hiện nhiều bến bãi của doanh nghiệp (DN) không được cơ chế thuê mặt bằng để xây dựng chỗ đậu xe, bố trí xe trung chuyển đưa khách từ bến tới tham quan các điểm đến.
“TP chủ trương phát triển giao thông thủy nhưng cần thực thi bằng những cơ chế cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện cho các DN đầu tư tới nơi tới chốn, hình thành những sản phẩm hoàn chỉnh đủ sức thu hút du khách”, ông Xuân Anh đề xuất.
Tương tự, sau hơn 1 năm hoạt động, tuyến buýt sông đầu tiên tại TP.HCM vẫn đang bị đánh giá là chạy lệch mục tiêu, phục vụ du lịch là chính chứ không đáp ứng được nhu cầu di chuyển thường xuyên.
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật (chủ đầu tư), cho rằng đây là điều hết sức bình thường và đang đi theo đúng lộ trình vì bản chất của ngành đường thủy rất đẹp, mặc định tính là không gian phục vụ cho du lịch. Một số nước như Thái Lan, Hà Lan... có tỷ lệ sử dụng phương tiện đường thủy để đi lại so với đi du lịch luôn vào khoảng 30 - 70%.
“Hiện tỷ lệ đi lại của buýt thủy chưa tới 20%, nhưng tỷ lệ lấp đầy luôn đạt khoảng 60 - 70% vào ngày thường, cuối tuần là 100%. Tỷ lệ này liên tục kéo dài trong suốt 1 năm qua, đây là tín hiệu của sự phát triển bền vững và cũng cho thấy rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, đang tạo ra một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng”, ông Toản khẳng định.
Trong quá trình xây dựng sản phẩm giao thông cũng như du lịch đường thủy, ông Toản nhận định vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có luật quản lý đặc thù cho ngành tàu buýt, taxi trên sông. Các quy định, hành lang pháp lý liên quan đến phương tiện đường thủy còn rất chung chung, chưa theo kịp nhu cầu phát triển thực tế.
“Tài nguyên, cơ sở hạ tầng hiện hữu của TP.HCM như thế nào ai cũng biết. TP chủ trương phát triển nhưng quan trọng nhất là phải hình thành nên những sản phẩm cụ thể. Từng món sản phẩm nhỏ, qua quá trình điều chỉnh, cải tạo, hoàn thiện sẽ hình thành nên các sản phẩm lớn. Kêu gọi giao thông thủy mà không làm luồng tuyến, kêu gọi du lịch mà không hình thành tour thì tài nguyên trời cho có nhiều đến đâu cũng vô nghĩa”, ông Toản nhấn mạnh.
H.Mai