There are no translations available.
Tàu trôi dần về phía thượng lưu sông Sài Gòn, những tòa nhà cao vút hiện ra trước mui tàu. Ven 2 bờ sông là những khu du lịch sinh thái, những du thuyền đẳng cấp, những khu biệt thự trải dài. Du lịch trên sông Sài Gòn bằng buýt đường sông cho chúng tôi một cảm giác vô cùng mới lạ.
Tuyệt vời sông nước
Sáng cuối tuần, trong tiết trời nắng ráo và mát mẻ, chúng tôi có dịp cùng lãnh đạo TPHCM và người dân tham quan TP bằng buýt đường sông, một loại hình giao thông công cộng mới mẻ trên bình diện cả nước.
Buýt đường sông trông giống như chiếc xe khách 45 chỗ, có máy lạnh, ghế ngồi êm ả nhưng dài và rộng hơn, đủ chỗ cho gần 100 khách du lịch. Dưới mỗi ghế ngồi có trang bị áo phao, phía sau buýt có hành lang rộng để ngắm cảnh, đặc biệt trên tàu có nhà vệ sinh sạch sẽ.
8 giờ 30 phút, buýt rời bến Bạch Đằng, đưa khách tham quan ngắm cảnh đôi bờ sông Sài Gòn, bắt đầu từ quận 1 rồi về quận 2, điểm cuối cùng là bến Linh Đông, quận Thủ Đức. Phía trước mũi buýt, Cảng Ba Son ngày nào giờ là khu đô thị hiện đại với những tòa nhà chọc trời, xen lẫn là những ngôi biệt thự xinh xắn.
Phía bên kia bờ sông là những vườn cây xanh mát mắt, những chiếc du thuyền đậu trước mặt những ngôi biệt thự thuộc khu Thảo Điền quận 2, cho ta cảm giác như đang du lịch đường thủy vào mùa thu ở châu Âu. Buýt đi dần về hướng Thủ Đức, những khu dân cư đông đúc hiện ra, những điểm du lịch sinh thái sông nước, và những tàu cao tốc của Saigontourist như điểm xuyến cho bức tranh thủy mặc hữu tình.
Buýt đường sông, loại hình giao thông công cộng mới mẻ ở TPHCM. Ảnh: Đ. TRUNG
Ấn tượng của du khách trên tuyến buýt đường sông là đội ngũ hướng dẫn viên xinh đẹp và lịch thiệp. Khi buýt đưa du khách cập bến Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức để tham quan, nghỉ ngơi, các hướng dẫn viên nữ ân cần nhắc nhở khách đi lại cẩn thận trên tàu, vui vẻ trả lời các điều thắc mắc của mọi người.
Anh Trần Tuấn Duy, hướng dẫn viên của đoàn, năm nay chừng ngoài 30, dù là ngày khai trương buýt đường sông nhưng có vẻ đầy kinh nghiệm trong công tác lễ tân.
Duy cho biết: “Được phục vụ lãnh đạo TP, bà con cô bác trong ngày đầu như thế này, em rất vui. Đây là loại hình giao thông công cộng rất mới mẻ ở Việt Nam và TPHCM, nên em mong mọi người có nhiều ấn tượng tốt trong ngày khai trương. Em cũng mong sao người dân TP sẽ chọn hình thức đi lại này trong những ngày tới để giảm nạn kẹt xe, tắc đường, tinh thần lại sảng khoái, quan trọng là rất an toàn”.
Trạm buýt đường sông hiện đại tại bến Bạch Đằng, quận 1, TPHCM. Ảnh: Đ. TRUNG
Chị Nguyễn Việt Anh, người dân ở quận 1, rất hào hứng khi lần đầu tiên tham quan TP bằng buýt đường sông, cười tươi nói: “Mình sống ở TPHCM đã gần 40 năm nhưng chưa bao giờ tham quan miền sông nước của TP. Cảm giác lúc này lạ lắm, TP bình yên vào cuối tuần, cảnh quan 2 bờ sông rất đẹp, mà nếu đi bằng xe máy không bao giờ chiêm ngưỡng được”.
Hướng đến sự tiện lợi cho người dân
TPHCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế. Thực tế phát triển trong hơn 40 năm qua đã khẳng định nghĩa tình là một đặc trưng văn hóa rõ nét của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Hướng tới tình nghĩa cộng đồng, TP luôn chú trọng đến các mô hình mang sự tiện lợi đến cho đại đa số người dân. Do vậy, buýt đường sông đã luôn được các cấp, các ngành ủng hộ.
Loại hình giao thông công cộng bằng đường thủy nói trên là mô hình mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, mô hình buýt sông này đã hình thành, tồn tại và phát triển từ rất lâu trên thế giới, đặc biệt là các nước có nền kinh tế phát triển hoặc có lợi thế về địa hình nhiều sông ngòi, kênh rạch.
“TPHCM có một tài nguyên to lớn với hơn 112 tuyến sông, kênh rạch, 1.000km đường sông bao quanh. TP còn là nơi tập trung dân cư đông đúc nhất của cả nước, nên chúng tôi kỳ vọng việc đưa mô hình buýt sông này vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần đáng kể vào việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP, thu hút và phát triển du lịch sông nước, tạo ra một văn hóa giao thông tiến bộ, văn minh” - ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư) chia sẻ.
Với sự kiện tương đối đặc biệt của ngành giao thông - vận tải, trong buổi khai trương tuyến mới trên sông Sài Gòn, đích thân Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM Bùi Xuân Cường cùng lãnh đạo các phòng, ban, khu quản lý đường bộ đi buýt đường sông để trải nghiệm miền sông nước đầy thi vị. Ông Cường đánh giá tuyến buýt đường sông được đưa vào khai thác sẽ mở ra một loại hình vận tải hành khách công cộng mới trên địa bàn TP, tạo tiền đề cho việc xây dựng những mô hình tương tự. Việc đưa vào khai thác tuyến buýt sông không chỉ giúp góp phần làm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, mà còn tạo đà cho phát triển du lịch tại TPHCM.
Tính từ ngày chính quyền TP đồng ý về chủ trương để các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án xây dựng 2 tuyến vận chuyển hành khách công cộng bằng đường sông trên địa bàn vào tháng 10-2011, đến nay tuyến buýt đường sông đã có 6 năm chuẩn bị. Sự hỗ trợ của chính quyền, sự quyết tâm của doanh nghiệp để khai trương tuyến buýt đường sông vào thời điểm cuối tháng 11 này, cũng là hướng đến giá trị văn hóa 300 năm của TPHCM - trên bến dưới thuyền.
Tuyến buýt đường sông số 1 dài 10,8km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn, đến khu vực phường Linh Đông (quận Thủ Đức). Trên tuyến này có 12 bến đón, trả khách nằm rải rác tại các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Toàn tuyến có 5 tàu buýt, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Tàu sử dụng trên tuyến có thiết kế dạng cánh ngầm trước mũi, dài 18m với màu vàng chủ đạo. Bên trong tàu buýt được trang trí hệ thống đèn, còi hiệu, điều hòa, báo cháy...
Ngoài tuyến số 1, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm) dài 10,3km, lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực bến Lò Gốm (phường 7, quận 6) cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới. Tổng chiều dài 2 tuyến hoạt động khoảng 21km, vốn đầu tư của công trình là 124,5 tỷ đồng. Đưa vào khai thác, nếu tính cả đón trả khách, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Để khuyến khích người dân sử dụng buýt sông, trong 10 ngày đầu sẽ bán vé miễn phí kể từ ngày 26-11. Sau thời gian đó giá vé 15.000 mỗi lượt đi.
Đông Gia
|