SGTT.VN - Ngày 4.2, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc công ty Thường Nhật, chủ đầu tư dự án nói: Dự án buýt đường sông được thai nghén từ nhiều năm và đã được UBND thành phố chấp nhận cho nghiên cứu. Chúng tôi đã tốn rất nhiều công sức và tiền của nên chưa khi nào có ý định tạm dừng dự án.
Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, chậm nhất ngày 31.12.2011 công ty phải trình thành phố xem xét thông qua dự án đầu tư hai tuyến buýt đường sông, trong đó có tuyến Tàu Hũ – Bến Nghé chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt. Vậy đến nay công ty đã báo cáo thành phố?
Hai tuyến buýt đường sông mà công ty Thường Nhật đang lập dự án có tổng cộng 16 bến các loại, trong đó có 4 bến trung tâm và 12 bến nhỏ. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn chưa có vị trí để thành lập bến cho hành khách lên xuống. Do đó chưa thể báo cáo thành phố được. Nếu thành phố không hỗ trợ vị trí thành lập bến bãi, không hỗ trợ giá vé thì tôi tin chắc không chỉ doanh nghiệp của tôi mà bất kỳ doanh nghiệp nào (kể cả Nhà nước) cũng không dám tham gia vì cầm chắc lỗ.
Hai tuyến buýt đường sông Thường Nhật đang nghiên cứu
Theo phương án sơ bộ mà công ty Thường Nhật phác hoạ, buýt trên sông sẽ được chia ra làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thí điểm thực hiện với hai tuyến sau đây:
Tuyến 1: có chiều dài khoảng 25km, bắt đầu từ An Lộc, An Hoà – Bình Lợi, Thanh Đa – sông Sài Gòn – kinh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đĩa – rạch Rơi – sông Phú Xuân. Lộ trình dự kiến tuyến này được chia ra thành ba đoạn. Mỗi đoạn dự kiến có sáu trạm dừng đón khách. Tuyến 2: từ Bến Nghé đến Tàu Hũ với tổng chiều dài khoảng 12km, sáu trạm dừng đón khách. Để thực hiện các tuyến thí điểm, nhà đầu tư sẽ phải xây dựng bốn bến hành khách trung tâm, mỗi lộ trình đầu tư bốn chiếc tàu, thời gian khởi hành cách 15 phút/chuyến trong giờ cao điểm.
Đ.L
|
Nếu không có các bến dọc theo lộ trình, tàu chỉ có thể chạy từ đầu tuyến đến cuối tuyến thì lấy đâu ra khách. Mà để có các bến dọc theo lộ trình thì chỉ có thành phố mới làm được. Lãnh đạo sở GTVT đã nói “hầu hết đất dọc các tuyến sông, kênh, rạch đều đã có chủ và phần lớn là đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân. Do đó, dự án này chỉ khả thi khi Nhà nước bỏ vốn đầu tư hạ tầng giao thông”.
Được biết, mới đây UBND thành phố đã giao cho tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nghiên cứu lập dự án mở tuyến buýt đường sông. Việc này có ảnh hưởng đến dự án các tuyến buýt đường sông của công ty?
Samco được thành phố giao nghiên cứu tuyến buýt đường sông với lộ trình chạy dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé đến cảng Phú Định. Lộ trình đó sẽ trùng lắp với tuyến buýt đường sông số 2 (từ bến Bạch Đằng chạy dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé – PV) của Thường Nhật. Tôi nghĩ, chính vì vậy nên sở GTVT thành phố đã đề nghị Thường Nhật phối hợp với Samco cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, dù có Samco tham gia cùng Thường Nhật mà không được thành phố hỗ trợ những khó khăn nêu trên thì dự án cũng không thể triển khai.
Trao đổi với chúng tôi vào ngày 5.2, ông Lê Văn Pha (phó tổng giám đốc Samco) cũng nói: Không được hỗ trợ chúng tôi cũng không dám làm!
Tương tự như công ty Thường Nhật, ông Lê Văn Pha cho rằng, đầu tư buýt đường sông khó gấp nhiều lần buýt đường bộ. Do đó, dù là doanh nghiệp nhà nước, Samco cũng không thể thực hiện nếu không được sự hỗ trợ của thành phố về giá vé cũng như đất đai dọc hai bên bờ sông, kênh, rạch để xây dựng bến bãi như Thường Nhật yêu cầu. Hơn nữa, Samco chưa có kinh nghiệm về loại hình vận tải buýt đường sông nên chuyện đầu tư phải được tính toán thật kỹ trước khi quyết định.
ĐÀO LÊ (THỰC HIỆN)
Nguồn: http://sgtt.vn/Kinh-te/158538/Chu-dau-tu-chua-co-y-dinh-tam-dung-du-an.html
|