Tin mới nhất

Tin nổi bật

Phát huy thế mạnh giao thông đường thủy

Thứ ba, ngày 11/07/2023 - 00:01

QUÝ HIỀN

Thành phố Hồ Chí Minh có gần 1.000km đường thủy địa phương và quốc gia cùng với luồng tuyến có sẵn, được đánh giá là tiềm năng sông nước rất lớn, thế mạnh phát triển các loại hình du lịch, giao thông đi lại. Song, để góp phần phát triển hệ thống đường thủy xứng tầm thì cần phải có nhiều “cú huých” về cơ chế chính sách, quy hoạch mới thật sự vực dậy được tiềm năng vốn có.

https://nhandan.vn/phat-huy-the-manh-giao-thong-duong-thuy-post761708.html?zarsrc=30&&utm_source=zalo&&utm_medium=zalo&&utm_campaign=zalo

Tuyến buýt đường sông Sài Gòn Waterbus thu hút đông đảo du khách. (Ảnh THẾ ANH)
Tuyến buýt đường sông Sài Gòn Waterbus thu hút đông đảo du khách. (Ảnh THẾ ANH)

Nhìn hành khách lên xuống tàu rời bến Bạch Ðằng vào những ngày cuối tuần trong dịp hè này, ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, đơn vị khai thác tuyến buýt sông số 1 phấn khởi cho biết: Từ khi tuyến buýt đường sông đưa vào khai thác (năm 2017) đến nay, lượng khách đã đạt đỉnh điểm. Ðiều đó chứng tỏ, tiềm năng đường thủy của thành phố còn nhiều dư địa. Ðây cũng là nét văn hóa “trên bến dưới thuyền” đã có quá trình lịch sử, đặc trưng rất lâu đời của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Toản, mỗi ngày trung bình công ty khai thác 50 lượt buýt đường sông với 2.500 lượt hành khách đi lại, cao điểm vào ngày cuối tuần hay ngày lễ lượng khách tăng lên từ 3.500 đến 3.700 lượt. Tuy nhiên, điều ông Toản cũng như đông đảo hành khách trải nghiệm tuyến buýt này chưa hài lòng là số lượng bến dừng, đỗ của tuyến buýt đường sông số 1 còn quá ít. Ðiều này khiến việc đi lại giao thương giữa đường thủy và đường bộ của người dân cũng hạn chế, nhất là kết hợp tham quan du lịch trên cả hành trình.

Lý giải hạn chế này, ông Nguyễn Kim Toản cho hay: Theo thiết kế của tuyến buýt đường sông số 1, hành trình tuyến bắt đầu từ bến Bạch Ðằng (Quận 1) đến thành phố Thủ Ðức với chín bến. Tuy nhiên, hiện buýt chỉ có ba bến dừng, đỗ, sáu bến còn lại do chưa được thành phố phê duyệt quy hoạch, giao đất cho chủ đầu tư. Bất cập này mà Công ty TNHH Thường Nhật gặp phải cũng là câu chuyện nhiều đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường thủy đang phải đối mặt.

Là doanh nghiệp khai thác tuyến đường thủy nội địa phục vụ du lịch, Giám đốc Công ty Thuyền Sài Gòn Phan Xuân Anh góp ý: Thực trạng thành phố hiện nay “có sông, có thuyền mà không có bến”. Kể cả có bến mà không có khách vì thiếu hạ tầng đi kèm. Ðây chính là thiệt hại thấy rõ đối với phát triển kinh tế trong khi thành phố rất có lợi thế về hệ thống đường thủy.

Theo ông Xuân Anh, thực tế tài chính và năng lực của nhà đầu tư không thiếu nhưng lại thiếu sự phối hợp quyết liệt của các sở, ngành chức năng, kể cả chính quyền địa phương. Do đó, ông đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Sở: Giao thông vận tải, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường khi thực hiện quy hoạch xây dựng bến bãi, hạ tầng, nhất là công bố quy hoạch. Qua đó, thành phố cần sớm hoàn tất quy hoạch bến bãi để doanh nghiệp có động lực tham gia đầu tư, khai thác phát triển vận tải và du lịch đường thủy.

Một số doanh nghiệp cũng cho rằng, thành phố nên linh hoạt khi thực hiện và điều chỉnh quy hoạch, căn cứ trên nhu cầu và thực tế xã hội để xây dựng bến bãi, không thể vì chờ quy hoạch quá lâu làm cản trở sự phát triển của giao thông thủy.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, trong nhiều năm qua, hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố đã hình thành các loại hình: Vận tải hành khách, du lịch bằng tàu cao tốc theo tuyến cố định; vận tải hành khách, du lịch theo hợp đồng chuyến; vận tải hành khách ngang sông; vận tải khách du lịch bằng đường biển (chủ yếu là phục vụ hành khách du lịch quốc tế từ các nước trên thế giới đến tham quan Việt Nam).

Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Hòa An đánh giá: Thành phố có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm cho nên rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch bằng đường thủy như: Sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Ðôi, Chợ Ðệm, kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè… Bên cạnh đó, các tàu khách quốc tế (tàu biển) với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm thành phố tại khu vực cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, bến Bạch Ðằng mà không phải trung chuyển, tạo thuận tiện cho giao thông đường thủy, góp phần giảm áp lực giao thông đường bộ, tăng thêm thời gian cho khách lưu trú tại trung tâm thành phố.

Với lợi thế này, nếu Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng được tiềm năng đường thủy sẽ có những đột phá về giao thông, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Tuy nhiên, ông An nhận định: Khó khăn lớn nhất trong phát triển vận tải đường thủy cần được ưu tiên tháo gỡ, đó là quy hoạch. Trong đó, Luật Ðường thủy nội địa yêu cầu bến thủy nội địa phải phù hợp quy hoạch ngành và quy hoạch khác mà quy hoạch ngành không có nên phải căn cứ vào quy hoạch phân khu của thành phố. Trên thực tế quy hoạch phân khu còn phụ thuộc vào sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương phê duyệt...

Một vướng mắc khác, hiện quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch còn hạn chế; chưa có cơ chế về giao, cho thuê đất để đầu tư xây dựng bến thủy nội địa, các công trình phụ trợ liên quan phục vụ phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch bằng đường thủy.

Theo Sở Giao thông vận tải, để gỡ vướng và không phải chờ quá lâu đồ án quy hoạch chung của thành phố, thành phố đã đồng ý 411 vị trí bến thủy nội địa trải đều ở thành phố Thủ Ðức và các quận, huyện. Hiện nay các địa phương đang cập nhật các vị trí này vào quy hoạch phân khu.

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố, đến năm 2025, thành phố mở thêm năm tuyến du lịch thủy, gồm: Tuyến Bạch Ðằng đi Quận 7, Nhà Bè; tuyến Thanh Ða, Bình Quới trên sông Sài Gòn; Tuyến Sài Gòn đi Bình Dương, Củ Chi trên sông Sài Gòn; tuyến vận tải du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Côn Ðảo, Bà Rịa-Vũng Tàu; tuyến phà biển Cần Giờ Thành phố Hồ Chí Minh đi Gò Công Ðông, tỉnh Tiền Giang.