Tin mới nhất

Tin nổi bật

Các bài viết về sông nước Sài Gòn
Thứ hai, 23 tháng chín 2019 18:02

Nhìn sông nhớ phố

07:00 - 23/09/2019  2 THANH NIÊN ONLINE
Nguyễn Hùng Sơn

Nguyễn Hùng Sơn

Quận 7, TP.HCM

Sài Gòn là mảnh đất kênh rạch chằng chịt, khó mà thống kê được có bao nhiêu đoạn kênh, rạch, lạch, xẻo, mương, cống với tên gọi đầy đủ…

Vi thực tế, chỉ là một con kênh chạy ra sông hay con sông đổ ra biển, cứ chảy qua địa bàn nào là lại có tên gọi khác nhau. Ví thử như đoạn thủy lộ chạy dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đổ ra sông Sài Gòn ở cửa Bến Nhà Rồng, đoạn đổ ra sông là rạch Bến Nghé, trước đấy là kênh Đôi rồi kênh Tàu Hủ, trước nữa gọi là rạch Ruột Ngựa rồi còn góp thêm nước từ kênh Lò Gốm và rạch Ụ Cây nữa ... Hay như Kênh Đôi sau khúc hòa dòng cùng kênh Tàu Hủ thì tách dòng riêng với cái tên Kênh Tẻ (đoạn cù lao Nguyễn Kiệu đầu cầu Nguyễn Văn Cừ) đổ ra cửa Tân Thuận. Mọi thứ chẳng theo quy luật nào mà chủ yếu là thuận miệng, gọi miết thành quen.
Nhìn sông nhớ phố - ảnh 1

Sông Sài Gòn

Ảnh: Độc Lâp

Sài Gòn, mảnh đất mới khai khẩn hơn 300 năm, nghĩ rằng đâu có gì bí ẩn trong lịch sử ngắn ngủi như vậy, ấy thế mà như cái tên Chợ Rẫy, hẳn xưa là có cái chợ tên là Rẫy, nhưng đố sách sử nào chứng minh được cái chợ đó ở đâu, tồn tại khi nào, đến khi người Pháp xây nhà thương Chợ Lớn, mà dân không chịu cứ gọi là Chợ Rẫy, gọi riết thành tên, người Pháp cũng đành chịu. Hay chính xác Chợ Lớn (Grand Marche) có hay không, nằm ở đâu mà sau này không thấy ghi lại, chỉ có địa danh Chợ Lớn ngày nay là một khu vực hành chính chứ không đơn thuần là một cái chợ lớn nữa.
Năm 1879 Thống đốc Nam Kỳ đã công nhận thành phố Chợ Lớn (ville du Cholon) với quy mô ngang với Tourane (Đà Nẵng) và Phnompenh (Campuchia). Sau khi hợp nhất với thành phố Sài Gòn (biên giới hai thành phố là đường Nguyễn Văn Cừ- Nguyễn Thiện Thuật bây giờ) thành khu Sài Gòn- Chợ Lớn (1931) rồi Đô thành Sài Gòn (1956) rồi TP.HCM (1976), Chợ Lớn giờ chỉ còn là cái tên trong hoài niệm. Sài Gòn có lắm điều hay như thế, nghe thực tế mà thấy tựa giấc mơ vậy.
Nhìn sông nhớ phố - ảnh 2

Người dân đi xe buýt sông tại TP.HCM

Ảnh: Ngọc Dương

Đọc tiếp...
 
Mở hướng khai thác tiềm năng kinh tế, du lịch từ các con sông trong đô thị TP Hồ Chí Minh
Thứ tư, 11 tháng chín 2019 00:00

TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông rạch lớn, tuy nhiên việc khai thác tiềm năng, thế mạnh từ các dòng sông, các dự án ven sông… để phát triển kinh tế, xã hội chưa được phát huy.

Tiềm năng chưa được phát huy

Chú thích ảnhSông Sài Gòn được xem là tài nguyên đặc biệt của TP Hồ Chí Minh nhưng hiện vẫn chưa được khai thác đúng tầm.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Thành phố có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, gồm 2.953 tuyến với tổng chiều dài 4.368 km, trong đó có 110 tuyến có chức năng giao thông thủy với chiều dài 953 km. Các tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy của thành phố kết nối thuận lợi theo cả bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để đi đến các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và kết nối giao thương quốc tế. Đặc biệt, có các tuyến sông, kênh, rạch chảy sâu vào khu vực trung tâm thành phố, tạo nên không gian, cảnh quan kiến trúc thành phố; phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch bằng đường thủy.

Mặc dù không gian dọc sông Sài Gòn và các tuyến kênh rạch trên địa bàn thành phố có tiềm năng lớn về du lịch - thương mại - dịch vụ, nhưng tính định hướng, kết nối và khai thác cảnh quan không gian hai bên bờ sông thời gian qua chưa được quan tâm đúng mức, chưa đặt dòng sông là trung tâm nghiên cứu phương án tổ chức không gian cảnh quan hai bên bờ sông. Một số đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 gắn với dự án đầu tư xây dựng được duyệt trong nhiều giai đoạn theo các căn cứ pháp lý khác nhau nên thiếu đồng bộ, chất lượng một số đồ án quy hoạch 1/500 còn hạn chế, chưa có các giải pháp khai thác giá trị cảnh quan ven sông để phục vụ các công trình công cộng, như thiếu lối tiếp cận công cộng đến công viên hành lang bờ sông.

“Tất cả các sông, rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều có đồ án quy hoạch, tuy nhiên những đồ án quy hoạch này đều mang tính riêng lẻ, được lập trong thời gian khác nhau và đơn vị tư vấn cũng khác nhau nên thiếu tính kết nối với nhau và không kết nối được với không gian xung quanh nên không thể khai thác được tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch… Chẳng hạn, trên sông Sài Gòn hiện nay chỉ có 10 đồ án quy hoạch nằm trên địa bàn các quận 12, Hóc Môn, Củ Chi là có tính liên kết, đồng bộ… còn lại thì không có đồ án nào trên địa bàn mang tính kết nối xuyên suốt cả con sông”, Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Ngoài ra, từ năm 2004, khi Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 150/2004/QĐ-UBND về quản lý, sử dụng hành lang an toàn sông, kênh rạch, suối, hồ công cộng và mới nhất được sửa đổi, thay thế bởi Quyết định số 22/2017/QĐ-UBND, nhiều công trình lấn chiếm đất hành lang sông, kênh, rạch do cá nhân, tổ chức vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt, yêu cầu tháo dỡ. Động thái kịp thời này được đông đảo người dân ủng hộ, bởi hành lang đất hai bên bờ sông Sài Gòn, các kênh rạch là nơi xây dựng các công trình kè, cống, bờ bao là không gian để xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế gần đây, dọc sông Sài Gòn, nhiều dự án nhà cao tầng với hàng ngàn căn hộ vẫn hình thành, nhiều đoạn công trình kè bảo vệ sông Sài Gòn đang có dấu hiệu lấn sông Sài Gòn một cách rõ rệt. Trong thời gian qua, chủ đầu tư các dự án quan tâm tới lợi nhuận nhiều hơn ý thức về an toàn bờ sông dẫn đến tình trạng các dự án xây dựng ra tận mép sông, thậm chí lấn luôn lòng sông, khiến không gian công cộng này đang bị thu nhỏ lại.

“TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung nên cần chỉ đạo rà soát kỹ quy hoạch hành lang bảo vệ sông rạch, trước hết là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và các kênh, rạch nội thành; không để tiếp tục tình trạng phát triển các tòa nhà cao tầng quá dày đặc, lấn át sông Sài Gòn hoặc biến một phần không gian sông Sài Gòn thành không gian riêng của dự án nhà ở, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông rạch vì lợi ích công cộng, đảm bảo cảnh quan, môi trường và phát triển bền vững. Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng quy định thực hiện quy hoạch chi tiết phân khu đối với bờ kè và hành lang bảo vệ sông rạch trên địa bàn đô thị nhằm tôn tạo cảnh quan, môi trường, phát huy lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội trong quá trình khai thác, sử dụng quỹ đất ven sông rạch và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, đề xuất.

Cần quy hoạch đồng bộ

Chú thích ảnhBí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, TP Hồ Chí Minh với điểm nhấn đặc sắc là sông Sài Gòn và các kênh, rạch nội thành là nguồn tài nguyên quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố, chẳng những có giá trị cao về cảnh quan, môi trường, giao thông, mà nếu có cơ chế chính sách phù hợp thì còn tạo ra nguồn lực lớn về kinh tế và phát triển du lịch. Tuy nhiên, do chưa được quy hoạch tổng thể, chưa được kè bờ và tình trạng sông rạch bị lấn chiếm, bị sạt lở, bị ô nhiễm nghiêm trọng đã làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân thành phố, nhất là các đối tượng sống trên và ven kênh rạch.

“Để khai thác tiềm năng kinh tế của quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch cần phải quy hoạch tổng thể quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. Đi đôi với kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp theo từng giai đoạn; xây dựng quy chế quản lý, sử dụng, khai thác kinh doanh quỹ đất thuộc hành lang bảo vệ sông rạch để thực hiện thống nhất; thực hiện phương thức đối tác công - tư, xã hội hóa đầu tư để huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia thực hiện các dự án trong hành lang bảo vệ sông rạch và kè bờ”, ông Lê Hoàng Châu cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Thường Nhật, hiện nay trên trục sông Sài Gòn nói riêng và trên toàn mạng lưới giao thông thủy thành phố nói chung, hoạt động vận tải thủy diễn ra khá nhộn nhịp. Các đơn vị đầu tư xây dựng phát triển các khu phức hợp có cảnh quang ven sông, du lịch đường sông, dịch vụ vận chuyển đường sông, taxi đường sông… đang mở rộng thị trường và nhắm tới nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Tuy nhiên, để hoạt động khai thác vận tải hành khách bằng đường thủy đảm bảo các tiêu chí về quản lý, vận hành khai thác theo quy định của nhà nước, giữ gìn cảnh quan “trên bến, dưới thuyền”, cần thiết phải xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phát triển loại hình này.

“Du lịch sông nước trở thành lựa chọn chiến lược tạo lợi thế sở hữu riêng có của TP Hồ Chí Minh. Việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng nhà ga, bến thủy ngoài việc chia sẻ giao thông đường bộ, còn làm mới, đột phá tăng trưởng du lịch, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, từ đó tăng thời gian lưu trú, chi tiêu, mua sắm, ăn uống... của khách du lịch tại TP Hồ Chí Minh, thúc đẩy tăng trưởng môi trường du lịch của TP Hồ Chí Minh”.

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, thực tiễn cho thấy, từ khu vực trung tâm thành phố, các tuyến du lịch bằng đường sông có thể tỏa đi đủ các hướng với cảnh quan sông nước phong phú nhưng đậm dấu ấn của Sài Gòn. Do vậy, TP Hồ Chí Minh cần hoàn thiện việc quy hoạch, thiết kế đô thị và tổ chức quản lý, khai thác cảnh quan sông nước, hệ thống bờ kè dọc sông Sài Gòn và kênh rạch nội đô nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về tổ chức và quản lý không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến sông, trong đó chú trọng các vấn đề như dọc theo phạm vi hành lang bảo vệ trên bờ sông, quy hoạch hợp lý các khu cảnh quan, cây xanh, các loại hình phục vụ cộng đồng, các bến thủy đồng thời cũng là nơi hội tụ cộng đồng, tôn tạo văn hóa “trên bến dưới thuyền”, tạo ra giá trị gia tăng, góp phần cải tạo và xây dựng diện mạo mới cho bộ mặt cảnh quan đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố cần quy hoạch bờ sông gắn với việc liên kết các loại hình di sản kiến trúc thuộc địa ven các sông ngòi (hệ thống các di tích xưởng tàu, cảng – bến tàu; các dãy nhà phố, nhà kho ven sông; các cây cầu thời thuộc địa; hệ thống phòng thủ đường sông...), trong đó việc nghiên cứu tái sử dụng hay thay đổi công năng của các di tích kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ là một trong các yếu tố du lịch tiềm năng mà các nước khác, điển hình như Singapore đã thành công. Hay nhiều khu phố cổ, nhà kho – xưởng, bến cảng tàu ven sông của Singapore hiện nay được trùng tu sửa chữa và đưa vào khai thác kết hợp các hoạt động thương mại dịch vụ đã tạo ra các bến du lịch thu hút người dân và du khách (Clarke Quay sôi động và náo nhiệt với nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, nghe nhạc…).

Theo kiến trúc sư Ngô Anh Vũ, Viện Quy hoạch Xây dựng, cùng với giải quyết bài toán về chống ngập úng và thoát nước cho thành phố, quy hoạch kè bờ sông Sài Gòn nói riêng và kênh rạch nội thành nói chung còn phải kết hợp tổ chức không gian công cộng sau bờ kè có kiến trúc cảnh quan hấp dẫn để thu hút người dân đến sinh hoạt, vui chơi. “Muốn vậy, tôi kiến nghị Thành phố xem xét các công việc sau: Rà soát, đánh giá tình trạng quy hoạch, sử dụng khai thác hai bờ sông Sài Gòn, trong phạm vi 100-200m tính từ mép bờ cao vào phía trong, chú ý những trường hợp xây dựng sai phép lấn chiếm sông rạch, khu vực có nguy cơ sạt lở, ô nhiễm và những quỹ đất trống có thể hình thành các không gian công cộng cho đô thị; tổ chức lập quy hoạch kè bờ ven sông Sài Gòn với từng phân đoạn khác nhau nhằm tôn tạo đặc trưng riêng, đề xuất các chức năng sử dụng phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên – xã hội của khu vực đó trên tinh thần khai thác có hiệu quả quỹ đất trống ven sông tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Về lâu dài, cần lập quy hoạch khu vực ven sông cho toàn bộ sông, kênh chính thuộc khu vực nội thành”.

Chiều 10/9, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Quy hoạch và phát triển bờ kè sông Sài Gòn và sông, kênh nội thành và các giải pháp để hoàn thành cơ bản kè sông Sài Gòn, sông và kênh nội thành vào năm 2025”. Hội thảo nhằm phát huy sáng kiến của đội ngũ các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nhân cùng tìm kiếm giải pháp toàn diện ứng phó với các nguy cơ, thách thức, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, cảnh quan và môi trường sông Sài Gòn và sông, kênh rạch phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hội thảo đã phần nào giúp thành phố có cái nhìn toàn diện hơn về công tác quy hoạch, sử dụng đất ven sông bởi đây là tài nguyên đặc biệt của Thành phố. Tuy nhiên, để có thể thực hiện công tác này có hiệu quả, Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đề nghị 7 việc cần làm: Cần có nghiên cứu sâu của quốc tế trong việc quy hoạch ven sông; cần phối hợp với các chuyên gia mô phỏng việc ngập nước và thoát nước của thành phố; làm rõ những giải pháp kĩ thuật trong việc xây kè sông trong thực hiện đa chức năng trong thời gian qua; kinh nghiệm các mô hình hợp tác giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác các vùng ven sông; định hướng, phân loại chức năng của hệ thống kênh và sông rạch TP Hồ Chí Minh, rà soát lại hiện trạng sử dụng hệ thống sông rạch hiện nay như thế nào; giới thiệu một số bài học, mô hình làm kè của thành phố có hiệu quả như thế nào; rà soát những xung đột, bất cập pháp lý liên quan đến quy hoạch, giao thông, pháp luật…
 
Buýt sông - "hơi thở" mới của đường thuỷ TP HCM
Chủ nhật, 01 tháng chín 2019 00:00

(NLĐO) - Sau gần 2 năm đưa vào hoạt động, buýt sông không chỉ mở ra một loại hình giao thông công cộng mới mà còn tạo "hơi thở" riêng cho sông Sài Gòn.Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 1.

Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) đưa vào khai thác tháng 11-2017, được xem là bước đột phá trong phát triển hệ thống giao thông thủy tại TP HCM

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 2.

Đây là tuyến vận tải hành khách công cộng đường thuỷ đầu tiên tại TP HCM và cả nước, mở ra một loại hình đi lại mới. Ngoài việc giúp giảm tải cho giao thông đường bộ, người dân, du khách cũng dễ dàng được thưởng ngoạn, trải nghiệm sông nước và cảnh quan trên sông Sài Gòn khi sử dụng buýt đường sông

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 3.

Trên hành trình từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến Linh Đông (quận Thủ Đức) và ngược lại, chiều dài khoảng 11 km, không ít người lần đầu được thấy TP từ phía sông Sài Gòn, khi ngồi trên các tàu buýt

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 4.

Vào những ngày cuối tuần, nhiều bạn trẻ, gia đình đưa theo con nhỏ, thích thú khi được trải nghiệm, nhìn cảnh quan ven sông Sài Gòn

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 5.

Hiện một số người ở các khu dân cư gần trạm đón - trả khách của tuyến buýt thường xuyên sử dụng để đi lại, trong khi một phần lớn nhu cầu là muốn du lịch, trải nghiệm sông nước

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 6.

Ngoài tuyến số 1, tại TP HCM còn tuyến buýt đường số 2 (Bạch Đằng - Lò Gốm), tuy nhiên hiện chưa triển khai do đang phụ thuộc vào tiến độ xây dựng cống ngăn triều ở Bến Nghé, thuộc công trình chống ngập gần 10.000 tỉ đồng tại TP.

Buýt sông - hơi thở mới của đường thuỷ TP HCM - Ảnh 7.

TP HCM hiện có 92 tuyến đường thủy nội địa với tổng chiều dài khoảng 598 km, tuy nhiên lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, cơ cấu đầu tư vốn cho phát triển hệ thống giao thông thủy không tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, nhiều chuyên gia giao thông đánh giá việc xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đường thủy nội địa như tuyến buýt đường sông đang triển khai là một trong những bước đột phá. Ngoài việc giúp giảm áp lực cho giao thông đường bộ còn tạo bước đột phá trong khai thác giao thông thủy, thúc đẩy phát triển du lịch ven sông.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật - chủ đầu tư dự án buýt đường sông cho biết dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng khách sử dụng buýt đường sông dự tính vào khoảng 2.500 khách mỗi ngày.

Hinh 3 (3)

Dịp lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, lượng khách sử dụng buýt đường sông dự tính vào khoảng 2.500 khách mỗi ngày

Chủ đầu tư thông tin từ lúc tuyến buýt này đưa vào hoạt động năm 2017, lượng khách tăng đều và duy trì ổn định. Những dịp cuối tuần, khách sử dụng buýt đường sông trung bình hơn 2.000 khách mỗi ngày. Riêng những ngày thường từ thứ hai đến thứ sáu có chừng 500 - 600 khách/ngày.

 

Gia Minh
 
«Đầu tiênTrước31323334353637383940TiếpCuối cùng»

Trang 31/58