Đề xuất mở hai tuyến canô buýt
Canô buýt sẽ chạy tuyến từ bến đò Bình Quới (quận Thủ Đức) đến bến Bạch Đằng (quận 1) và từ bến Bạch Đằng chạy dọc đại lộ Đông Tây đến cầu lò Gốm.
Ngày 30-5, ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đang tổ chức lấy ý kiến về đề xuất mở thí điểm hai tuyến canô buýt trên sông của Công ty TNHH Thường Nhật (Daily Ltd.) để trình UBND TP quyết định. Ông Kỷ đánh giá nếu TP.HCM tổ chức được mô hình ghe buýt, canô buýt thì sẽ chia sẻ được áp lực giao thông đang ngày càng đè nặng lên đường bộ.
Gỡ rối kẹt xe, kết hợp du lịch đường sông
Trước đó, Sở GTVT và các đơn vị liên quan đã khảo sát ba tuyến sông để dự kiến thí điểm mở thêm loại hình vận tải công cộng bằng đường sông nhằm góp phần giảm ách tắc giao thông đường bộ. Sở GTVT đánh giá đây là ba tuyến có lòng sông rộng, tĩnh không cầu không quá thấp nên thuận lợi trong việc mở các tuyến canô. Tuy nhiên, trong các tuyến đã khảo sát, Công ty Thường Nhật đề xuất trước hết nên thí điểm tuyến từ bến đò Bình Quới (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đến bến Bạch Đằng (quận 1) và tuyến Bến Nghé - Tàu Hủ (từ bến Bạch Đằng, theo dòng kênh chạy dọc đại lộ Đông Tây và kết thúc ở cầu Lò Gốm). Về sau, khi các tuyến này hoạt động có hiệu quả mới mở rộng ra các tuyến đi An Lộc (quận 12), sang khu vực Miếu Nổi (quận Phú Nhuận), cầu Bình Lợi hoặc về khu vực Phú Mỹ Hưng và rộng ra các tỉnh…
Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, các tuyến đề xuất này có nhu cầu đi lại rất lớn, thu hút được hành khách, góp phần giải quyết ách tắc giao thông đường bộ, nhất là các điểm nóng về kẹt xe như ngã tư Bình Triệu, Bến xe Miền Đông, giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng… Còn tuyến Bến Nghé - Tàu Hủ là sự kết hợp giữa các phương thức đường thủy, đường bộ (theo đại lộ Đông Tây) và tàu điện mặt đất (tuyến tàu điện mặt đất số 1 từ Sài Gòn - Bến Thành - Bến xe Miền Tây có đoạn dài 9 km đi cặp đại lộ Đông Tây tại đoạn dọc kênh Bến Nghé - Tàu Hủ). Ngoài ra, các tuyến canô buýt sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bằng đường sông ở TP.HCM.
Bến Bạch Đằng là vị trí được chọn làm nơi kết nối của hai tuyến canô buýt số 1 và 2 đang được đề nghị thí điểm. Ảnh: MP
Sẽ thỏa nhu cầu nhanh
Theo Công ty Thường Nhật, để tạo thuận tiện cho việc đi lại của người dân cũng như đảm bảo doanh thu duy trì hoạt động, canô buýt phải có sức chứa khoảng 80 chỗ/phương tiện. Dọc hai bên sông của hai tuyến đề nghị thí điểm cần xây dựng bốn bến trung tâm đa chức năng (vừa là nơi lên xuống khách, vừa giữ xe của khách và khai thác kinh doanh) và 12 bến nhỏ chỉ để phục vụ khách lên xuống. Trong giờ cao điểm, canô buýt sẽ hoạt động với tần suất cao, đến giờ là chạy để thỏa mãn được nhu cầu nhanh của người dân và chạy theo kiểu zích-zắc để vừa đáp ứng nhu cầu đi dọc tuyến, vừa đáp ứng nhu cầu đi ngang tuyến.
Theo Phòng Quản lý giao thông thủy (Sở GTVT), ở TP.HCM có sự thuận lợi trong việc đầu tư xây dựng các bến bởi UBND TP đã có quyết định bảo vệ hành lang an toàn đường sông. Theo đó, tùy cấp sông sẽ có lộ giới nhất định và đây là quỹ đất để xây dựng các bến phục vụ hoạt động của canô buýt.
Công ty Thường Nhật dự tính kinh phí đầu tư xây dựng bốn bến trung tâm (ở cả quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức) là 18 tỉ đồng, chi phí mua sắm tám canô buýt ước khoảng 28 tỉ đồng sẽ do công ty đầu tư. Công ty này đề nghị TP.HCM tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và kinh phí xây dựng 12 bến nhỏ (dự kiến khoảng 12 tỉ đồng).
MINH PHONG
Báo Pháp Luật TP.HCM
|