Tin mới nhất

Tin nổi bật

Buýt đường sông sẽ có khách?

08:39' AM - Thứ năm, 19/08/2010


Ông Nguyễn Kim Toản

Vừa qua, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương xây dựng, khai thác 2 tuyến vận chuyển khách công cộng bằng đường sông (buýt đường sông) theo đề xuất của Công ty TNHH Thường Nhật. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty tin tưởng “buýt sông” sẽ có khách nếu hoạt động an toàn, văn hóa và thuận tiện.

PV: Các tuyến buýt đường sông sẽ đi theo lộ trình như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Toản: Trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng, khai thác hai lộ trình, thứ nhất là tuyến từ Linh Đông (Q.Thủ Đức) về quận 1. Tuyến này sẽ có các bến đón khách ở các khu vực: Bình Quới, Hiệp Bình Chánh, Thanh Đa, Tầm Vu, Thảo Điền, Tân Cảng, Bình An, Q2, Nguyễn Hữu Cảnh, Bình Thạnh và Bạch Đằng (Q.1). Thứ hai, là tuyến đi theo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, đi qua các quận 8, 6, 5, 4 (có các bến đón khách ở các khu vực có cầu đi bộ dọc đại lộ Võ Văn Kiệt) về Bạch Đằng (Q.1).

Chiều dài mỗi tuyến khoảng 11km đến 12km. Chúng tôi sẽ dùng các loại tàu rộng rãi, thoáng mát, có vận tốc khoảng 30km/giờ đến 40km/giờ, có sức chở 80 khách, 60 khách, 40 khách. Tàu sẽ hoạt động nhiều trong giờ cao điểm và giãn ra trong giờ thấp điểm. Thời gian đi hết một lộ trình khoảng 30 phút, gồm cả việc dừng đón khách ở các bến.

PV: Việc đầu tư và huy động vốn để thực hiện dự án này như thế nào? Ông kỳ vọng gì khi dự án đi vào thực tế?

Ông Nguyễn Kim Toản: Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 58 tỷ đồng để xây dựng 4 bến tàu khách đa năng và 12 bến nhỏ làm trạm đón trả khách và mua 8 tàu khách làm phương tiện vận tải... Trong đó, chúng tôi đề nghị TP hỗ trợ xây dựng 12 bến nhỏ đón khách dọc 2 tuyến (trị giá khoảng 12 tỷ đồng). Các hạng mục khác công ty sẽ đầu tư và thu hồi qua việc bán vé cho hành khách. Chúng tôi tin rằng, khi dự án đi vào thực tế sẽ góp phần giảm tải cho giao thông đường bộ, giảm ùn tắc giao thông, tạo thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng đường thủy của mọi người dân.


PV: Thực tế thì việc vận tải khách công cộng bằng đường sông tại TP.HCM không phải là chuyện mới. Trước đây, đã có một số đơn vị thực hiện nhưng không có hiệu quả, tại sao Thường Nhật lại tiếp tục đề nghị thực hiện dự án này?

Ông Nguyễn Kim Toản: Chúng tôi thấy rằng, 10 năm trước, không có điều kiện thuận lợi như bây giờ. Hiện nay, áp lực về tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe... đòi hỏi chúng ta phải tìm đến một loại hình vận tải khác hỗ trợ đường bộ. Vận tải bằng đường thủy với hệ thống sông ngòi dày đặc của TP là điều kiện lý tưởng để chúng tôi thực hiện dự án này. TP.HCM cũng đã có quy hoạch phát triển giao thông và du lịch bằng đường sông.

Những năm qua, TP đã tiến hành chỉnh trang các dòng sông, kênh, rạch trên khắp địa bàn. Ngoài ra, điều kiện kỹ thuật máy móc, phương tiện vận chuyển hiện nay cũng rất tiên tiến, sẽ hỗ trợ rất nhiều vào sự thành công của dự án. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi sẽ chọn kết nối những điểm có lộ trình không dài quá và phải thật sự hiệu quả nếu so với đường bộ có cùng lộ trình.

Đây là điểm khác so với các dự án mà các đơn vị khác đã làm trước đây. Chúng tôi tin tưởng người dân sẽ ủng hộ nếu mô hình này hoạt động có văn hoá, an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường.

PV: Sau hai tuyến đã được UBND TP chấp thuận thí điểm, hướng tiếp theo của dự án là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Toản: Trong dự án chúng tôi cũng đã hoạch định quy mô phát triển giai đoạn hai nếu như được người dân ủng hộ. Đó là đầu tư mở rộng và phát triển các tuyến liên kết toàn TP.HCM với các tuyến vành đai và thực hiện việc liên kết với các đô thị khác như: Long An, Thủ Dầu Một, Nhơn Trạch, Biên Hòa và Phú Mỹ, Vũng Tàu. TP.HCM rất năng động, lãnh đạo TP luôn tìm những hướng đi mới, nhằm phát triển dân sinh.

Là doanh nghiệp tư nhân chúng tôi mong muốn góp sức mình vào sự phát triển của TP. Và rất mong TP sẽ có chủ trương định hướng bền vững và chính sách hỗ trợ cho các DN, nhất là hỗ trợ cho những mô hình mới.

PV: Xin cảm ơn ông.

Phan Tư (Thực hiện)

Báo Giao Thông Vận Tải

Nguồn: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Doanh-nhan/Khach-moi/Buyt_duong_song_se_co_khach/