Tin mới nhất

Tin nổi bật

Sẽ có thêm hàng trăm triệu USD, nếu...

TT - Du lịch TP.HCM sẽ đánh mất hàng trăm triệu USD hằng năm nếu không kịp thời đưa loại hình du lịch đường sông vào chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm. Quan trọng hơn, du lịch đường sông là con đường nhanh nhất giải quyết môi trường, làm đẹp bộ mặt thành phố.

 

Quang cảnh "trên bến dưới thuyền" khu vực bến Bình Đông, TP.HCM đã bị khai tử khi đại lộ Đông - Tây hình thành - Ảnh: H.T.V.

Thật ra du lịch đường sông tại TP.HCM đã được khai thác những năm gần đây nhưng quy mô còn rất nhỏ lẻ, manh mún. Về phương tiện vận chuyển, bên cạnh đội tàu thuyền, canô chuyên dụng, có hơn mười tàu nhà hàng hoạt động hằng đêm tại bến Bạch Đằng. Thế nhưng, thời điểm hiện nay thật khó tìm ra các sản phẩm tour đường sông được giới thiệu, chào bán tại các công ty du lịch!

Vì vậy, để sản phẩm du lịch đường sông hình thành và phát triển bền vững, cần chú trọng các yếu tố như: xây dựng bến bãi - cầu cảng; đầu tư phương tiện vận chuyển (tàu, thuyền, du thuyền...); hình thành các tuyến điểm tham quan; công tác phục vụ hậu cần; tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp; hình thành hiệp hội các công ty, cá nhân hoạt động trong ngành, trước mắt là Hội Du thuyền Sài Gòn.

Việc trước mắt và quan trọng mà chúng ta có thể bắt tay thực hiện được ngay là chỉnh trang, xây dựng các bến bãi, cầu cảng cùng các dịch vụ đi kèm, đặc biệt tại ba khu vực bến Bạch Đằng, Thanh Đa và Nhà Bè. Nhà nước thực hiện công tác quy hoạch, riêng đầu tư khai thác nên khuyến khích và giao cho doanh nghiệp, theo hình thức xã hội hóa.

Nhiều thông tin cho biết trong năm 2010 thành phố sẽ có thêm trên 20 du thuyền với trang thiết bị cao cấp theo chuẩn quốc tế (giá trị hàng triệu USD/chiếc). Đây là những phương tiện do các cá nhân, doanh nghiệp mua sắm làm phương tiện thư giãn, nghỉ dưỡng, du ngoạn trên sông kết hợp kinh doanh loại hình du lịch sông nước trên sông Sài Gòn và một số địa phương lân cận. Như vậy, nếu tính số du thuyền này cộng với đội canô, tàu thuyền, tàu nhà hàng hiện có tại thành phố, bước đầu chúng ta đã giải quyết được một vế quan trọng của vấn đề.

Đối với sản phẩm, bước đầu chỉ tập trung khai thác mạnh các tour nội thành và tour kết nối các tỉnh lân cận.

Tour nội thành nên thường xuyên tổ chức định kỳ các tuyến Bạch Đằng - Thanh Đa, Bạch Đằng - Nhà Bè, tuyến vòng quanh bán đảo Thanh Đa - Bình Quới, Bạch Đằng - kênh Tàu Hủ - rạch Đỉa - Phú Xuân - ngã ba Nhà Bè - làng Nghệ sĩ, trong đó riêng tuyến Bạch Đằng - Thanh Đa, Bạch Đằng - Nhà Bè khai thác cả ngày và đêm đều thuận lợi.

Tuyến tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ xuất phát từ bến Bạch Đằng nối kết giữa rừng nguyên sinh - sông, rạch - biển sẽ là sản phẩm nổi bật, mang tính khác biệt cao.

Một trong những điểm nhấn khác cần khai thác chính là tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé nằm dọc đại lộ Đông Tây; khu vực này hiện còn tập trung nhiều nhà cổ, nếu giải quyết tốt nguồn nước sẽ khá lý tưởng để tái hiện hình ảnh Sài Gòn - Gia Định “trên bến dưới thuyền” thời xa xưa của ông cha ta. Và tuyến Tàu Hủ - Bến Nghé còn là tuyến lý tưởng để chúng ta tổ chức sản phẩm “city tour trên sông”.

Tour liên tỉnh cần sự hợp lực và cùng khai thác những lợi thế của các tỉnh lân cận tại hai khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ, cụ thể là Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Phát triển du lịch sinh thái gắn liền đời sống sông nước và văn hóa bản địa, các làng nghề truyền thống, ẩm thực dân gian Nam bộ sẽ là một định hướng đúng và bền vững của du lịch TP.HCM.

NGUYỄN HỮU THỌ
(chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM, tổng giám đốc Saigontourist)

Đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 07-07-2010