Tin mới nhất

Tin nổi bật

Ba tuyến sông sẽ có buýt tàu thủy

Sở GTVT TPHCM vừa đưa ba tuyến sông vào danh sách dự kiến khai thác buýt bằng tàu thủy để vận chuyển hành khách công cộng

Theo Khu Đường sông - Sở GTVT TPHCM, hiện nay vận tải đường thủy trên các tuyến sông của TPHCM chủ yếu là vận tải hàng hóa và các bến đò đưa khách ngang sông. Còn vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy vẫn đang bị bỏ trống, trong khi TP có tiềm năng rất lớn để phát triển loại hình vận tải này.

 

Ca nô của Công ty Daily - Thường Nhật đưa rước công nhân viên đến làm việc tại các KCN ở TPHCM. Ảnh: N.MINH

 

Tiết kiệm 40% thời gian

TPHCM hiện có đến 973 km sông,  kênh rạch – một con số khá ấn tượng để phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy so với nhiều TP khác trong cả nước.

Ông Phan Hoàng Trí, Phó Giám đốc Khu Đường sông, cho biết nếu TP tổ chức được vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy thì áp lực giao thông đang đè nặng lên đường bộ sẽ được giảm nhiệt.

Theo ông Trí, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy có thể tiết kiệm đến 40% thời gian so với đường bộ, chưa kể người dân không phải gồng mình chịu cảnh kẹt xe.

Còn theo nhận định của các chuyên gia giao thông thủy, đường thủy có những lợi thế mà đường bộ không thể sánh bằng. Chỉ cần làm một so sánh nhỏ, xe buýt chiếm 1/4 lòng đường trong khi tàu buýt chỉ chiếm diện tích nhỏ trên sông rạch, đồng thời phương tiện dân dụng trên sông rạch của TP hiện nay cũng đã ít đi nhiều nên khả năng ùn tắc giao thông thủy rất hiếm xảy ra. Nếu đi từ quận 1 về quận 12 bằng xe buýt, khả năng kẹt xe lên đến 40% trong khi di chuyển bằng tàu buýt khả năng kẹt chỉ 1%.

Đánh thức tiềm năng bị bỏ quên

Chính vì không muốn bỏ quên tiềm năng đường thủy quá lớn nên mới đây, Sở GTVT đã đưa ba tuyến sông vào danh sách dự kiến khai thác buýt bằng tàu thủy.

Đó là tuyến Bến Nhà Rồng - sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - xuống cầu An Lộc (khu vực đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp); Bến Nhà Rồng - kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - chạy ra ngã ba sông Chợ Đệm (huyện Bình Chánh); Bến Nhà Rồng - rẽ về phía hạ lưu sông Sài Gòn - cảng Sài Gòn - kênh Tẽ (chui qua cầu Tân Thuận) - kênh Đôi (khu vực cầu Chữ Y, quận 8).

Theo ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT, các tuyến sông này có lòng sông tương đối rộng, tĩnh không cầu không quá thấp nên có thể khai thác buýt bằng tàu thủy.

Mới đây, Khu Đường sông cũng đã tiến hành khảo sát cụ thể tuyến Bến Nhà Rồng - sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - xuống cầu An Lộc và “chấm” được khoảng gần 30 điểm làm bến bãi cho tuyến này. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, Sở GTVT sẽ trình UBND TP kết quả khảo sát đánh giá.

Tuy có tiềm năng rất lớn về vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nhưng hệ thống kênh rạch của TPHCM lại có nhiều bất cập. Thủy triều tại TPHCM có biên độ khá lớn, có lúc lên đến 3 m.

Điều tiên quyết trong vận tải hành khách công cộng là phải đúng giờ, thế nên không thể ngồi chờ thủy triều lên mới chạy. Một điều nữa là nhiều cầu trên kênh rạch có tĩnh không không đạt yêu cầu, gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác luồng tuyến.

Cụ thể, trong 87 tuyến sông, kênh rạch do Khu Đường sông quản lý có đến 27 tuyến có các cầu có tĩnh không không đạt tiêu chuẩn luồng theo quy định. Bên cạnh đó, giá vé cao (gần 20.000 đồng/vé) và người dân chưa có thói quen sử dụng phương tiện thủy cũng sẽ khiến loại hình vận tải này bị “thờ ơ”.

Tuy nhiên, ông Trí khẳng định: “Các khó khăn trên có thể giải quyết được. Giao thông thủy ở TPHCM có tiềm năng lớn nên cần được chú ý để khai thác!”.

Nhiều ý kiến cho rằng muốn doanh nghiệp “mặn mà” với vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, cơ quan chức năng phải có chính sách hỗ trợ, bù lỗ trong thời gian đầu để thu hút người dân sử dụng hoặc cho phép họ lấy thu bù chi bằng cách kinh doanh du lịch để “nuôi” vận tải bằng tàu buýt.

Doanh nghiệp đã vào cuộc


Loại hình vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy chưa phát triển đại trà nhưng đã có một vài đơn vị tư nhân tổ chức đưa rước khách theo hợp đồng. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty Daily – Thường Nhật, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đường thủy, cho rằng nhu cầu chuyên chở người dân đến làm việc, du lịch, khảo sát tại TPHCM rất cao, nhất là những khu đô thị, KCN ven sông.

Đơn vị này hiện đang thực hiện nhiều hợp đồng đưa rước công nhân viên cho các công ty, cảng, các khu dân cư cao cấp... “Nhân rộng mô hình để phục vụ cho người dân bằng các lộ trình thuyền buýt trên sông là việc nên làm”- ông Toản nói.

Ngoài ra, hiện một số chủ đầu tư các khu chung cư ven sông như Garden Riverside (Thủ Đức), Domain (Bình Thạnh), đảo Kim Cương (quận 2) cũng sắm tàu thủy đưa rước người dân trong khu chung cư đến trung tâm TP. So với việc di chuyển bằng đường bộ thì việc dùng tàu thủy để đi lại trong những trường hợp này lại thuận tiện và nhanh hơn rất nhiều.

Ánh Nguyệt

Báo Người Lao Động