Tin mới nhất

Tin nổi bật

Buýt đường sông, công – tư cần hợp tác!

SGTT.VN - Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, khoa kỹ thuật giao thông đại học Bách khoa TP.HCM (đơn vị đang xây dựng đề án

quy hoạch mạng lưới vận tải khách đường thuỷ TP.HCM), ngoài việc chia bớt gánh nặng cho đường bộ, mạng lưới buýt đường

sông khi hoàn thành sẽ góp phần tạo nên bộ mặt văn minh, hiện đại cho đô thị TP.HCM. Còn ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc

công ty Thường Nhật (đơn vị chuyên vận chuyển khách đường sông), thì “bay bổng” hơn: nếu buýt đường sông được đưa

vào hoạt động ở các tuyến dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé hay Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP.HCM không thua gì các thành phố nổi

tiếng với dòng sông uốn qua đô thị ở châu Âu!

 

 


Tuy được đề cao và được đeo đuổi nhiều năm nhưng đến nay buýt đường sông vẫn chưa thành hình. Vì sao?

Không làm được

Theo ông Toản, từ năm 2005, công ty Thường Nhật đã manh nha ý tưởng thực hiện hai tuyến buýt đường sông. Và ý tưởng này

thành hiện thực khi vào khoảng giữa năm 2010, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho đơn vị ông nghiên cứu hai tuyến giao thông

thuỷ: một tuyến dọc theo sông Sài Gòn nối hai điểm Linh Đông (Thủ Đức) và bến Bạch Đằng (quận 1) và tuyến dọc theo kênh

Bến Nghé – Tàu Hũ nối quận 8 với bến Bạch Đằng. Cả hai tuyến đều có lộ trình 11km, nếu tính cả thời gian dừng bến đón khách

thì chỉ cần 30 phút là tàu có thể hoàn tất lộ trình, thời gian chỉ bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến. Theo công ty

Thường Nhật, để xây dựng thí điểm hai tuyến buýt sông này, công ty phải đầu tư bốn bến tàu khách đa năng và tám bến nhỏ làm

trạm đón trả khách. Và trong giai đoạn 1, công ty sẽ trang bị tám tàu với sức chở 80 khách/tàu, có khả năng chuyên chở khoảng

10.000 hành khách/ngày.

Theo ông Toản, mọi việc trôi chảy cho đến khi bắt tay vào việc đàm phán để tìm đất xây dựng nhà chờ và cầu tàu. “Trên tuyến

buýt đi qua, có quận thì ủng hộ, quận thì không mà theo chủ trương của thành phố thì doanh nghiệp phải tự thoả thuận đền bù

giải toả nên chúng tôi chỉ có thua chứ không làm gì được”, ông Toản bức xúc.

Trước những khó khăn đó, khoảng giữa năm 2012, thành phố có chủ trương giao cho tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải

Sài Gòn (Samco) phối hợp với công ty Thường Nhật tổ chức nghiên cứu lại. Từ đó đến nay buýt đường sông không những

không có lối ra mà gần như trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Bởi qua trao đổi với phóng viên vào ngày 5.6, phó tổng giám đốc

Samco, ông Phạm Quốc Tài, cho biết tới nay đơn vị này đã xác định buông tay, “vì cũng không thể tìm ra cách nào để có

hể có đất trống xây dựng cầu tàu, bến bãi”.

Đòi hỏi công – tư!

Theo quan điểm của công ty Samco, để khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải giao thông thuỷ

đầu tư vào loại hình buýt đường sông, thì ngoài chủ trương cho nghiên cứu, nhất thiết thành phố phải có những chính sách

ưu đãi, đồng thời thành phố phải đứng ra giải phóng cung cấp mặt bằng. Bởi chỉ có cơ quan nhà nước mới có đủ quyền,

đủ chế tài để tạo ra đất trống, nhất là ở những nơi tấc đất, tấc vàng như quận 1.

Như Sài Gòn Tiếp Thị đã thông tin trên số báo ra ngày 5.6.2013, phòng quản lý giao thông thuỷ, sở Giao thông vận tải TP.HCM,

cho biết trong giai đoạn 2013 – 2015, thành phố sẽ quy hoạch 18 địa điểm làm cầu tàu và nhà chờ để phục vụ

giao thông thuỷ – du lịch đường sông. “Đây là điều kiện để các doanh nghiệp như Thường Nhật tận dụng cầu tàu, nhà chờ có

sẵn thực hiện dự án buýt đường sông?” Trả lời câu hỏi này, ông Toản cho là “hiểu sai vấn đề”.

Theo ông Toản, để đầu tư buýt đường sông, ngoài chuyện bến bãi ra còn phải kể đến phương tiện, giá xăng dầu, thói quen

tiêu dùng của người dân. Trong đó, việc đầu tư phương tiện ngốn một số tiền rất lớn, trong khi xăng dầu thì lên xuống bất

thường, người dân phải tính toán thiệt hơn khi chọn buýt sông. Do đó, nếu chỉ dựa vào việc vận chuyển hành khách để hoàn

vốn và sinh lợi thì không có doanh nghiệp nào dám đầu tư. Cho nên, mục đích của nhà khai thác là dịch vụ ở các nhà chờ, cầu

tàu như bán hàng lưu niệm, cà phê, nhà hàng… để bù lỗ cho hoạt động dưới nước là buýt đường sông.

“Nếu muốn nhanh có các tuyến buýt đường sông thì phải kết hợp công – tư. Nhà nước tạo ra quỹ đất sạch rồi xã hội hoá việc

đầu tư xây dựng bến bãi, nhà chờ. Như vậy vừa khuyến khích được doanh nghiệp vừa phải đỡ tốn tiền ngân sách. Nếu không,

hoặc tư nhân không dám đầu tư hoặc nhà nước phải bù lỗ”, ông Toản khẳng định.

Trước đó, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Đặng Quá Hải, phó trưởng phòng quản lý giao thông thuỷ – sở Giao

thông vận tải TP.HCM, cho biết bên cạnh việc nghiên cứu một số tuyến buýt đường sông thì sở cũng đang nghiên cứu cơ chế

kêu gọi đầu tư sao cho cụ thể, thống nhất.

ĐÀO LÊ

BÁO SÀI GÒN TIẾP THỊ

Nguồn: http://sgtt.vn/Thoi-su/178380/Buyt-duong-song-cong-tu-can-hop-tac.html