58 tỉ đồng cho hai tuyến buýt đường sông
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Sở GTVT TPHCM đang xem xét dự án 2 tuyến buýt đường sông
Công ty Thường Nhật (Daily Express) vừa chính thức trình Sở GTVT TPHCM Đề án xây dựng 2 tuyến vận chuyển hành khách công cộng đô thị đường sông. Việc phát triển buýt đường sông được xem là phương án giảm tải cho giao thông đường bộ, vốn đang quá tải trầm trọng.
Khai thác buýt đường sông là một hướng mới cho giao thông TP. Ảnh: TẤN THẠNH
Đi 11 km mất 30 phút
Theo đề án, tuyến số 1 có lộ trình: Linh Đông – Bình Quới – Hiệp Bình Chánh – Tầm Vu – Thanh Đa – Thảo Điền – Ung Văn Khiêm – Trần Não – Nguyễn Hữu Cảnh – Bạch Đằng và tuyến số 2: Bến Nghé – Tàu Hũ (Bến Bạch Đằng – quận 4 – quận 5 – quận 6 – quận 8). Dựa vào lộ trình của tuyến số 1 có thể thấy, tuyến này chạy dọc theo sông Sài Gòn, là luồng tuyến vận tải đường thủy cấp I nên khá phù hợp cho việc vận hành tàu có sức chở lớn. Theo nghiên cứu, tuyến số 1 dài khoảng 11 km, có 8 bến đón trả khách dọc tuyến, mỗi lần tàu dừng mất 45 giây. Cũng theo tính toán tổng thời gian di chuyển mất khoảng 30 phút trên toàn tuyến. Trở ngại khi triển khai tuyến số 1 là cầu Kinh Thanh Đa và cầu Rạch Đĩa có tĩnh không tương đối thấp (khoảng trên dưới 2 m). Hiện nay, Khu Quản lý Giao thông độ thị số 1 đang triển khai nâng cấp cầu Kinh Thanh Đa, như vậy “nút thắt” trên tuyến số 1 xem như được gỡ bỏ. Luồng lạch ở tuyến số 2 tương đối nhỏ hơn tuyến số 1 nên chỉ có thể sử dụng tàu thủy trung bình có 80 ghế. Lộ trình của tuyến này cũng dài gần 11 km, có 5 bến dừng đón khách, mỗi bến lên xuống gần 2 phút, tổng thời gian di chuyển trên toàn tuyến gần 30 phút. Về lâu dài, tuyến này đã được TP quy hoạch là tuyến thoát nước đô thị và cảnh quan TP kết hợp với vận tải đường thủy nội địa (ghe – buýt nội thành trên toàn tuyến). Theo Công ty Thường Nhật, trước mắt chỉ làm thí điểm 2 tuyến này, nếu kết quả thực hiện khả quan thì mới tiến hành giai đoạn 2. Lúc đó sẽ hình thành những tuyến mới như tuyến Miếu Nổi – Bình Lợi – Fatima – Bình Triệu – Thanh Đa – Thảo Điền; Bạch Đằng – Kinh Tẽ - Phú Mỹ Hưng và tuyến nối kết với các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Normal 0 false false false EN-US X-NONE X-NONE MicrosoftInternetExplorer4
Giá vé cao hơn xe buýt 4 – 5 lần
TPHCM có khá nhiền ưu thế để phát triển vận tải đường sông. Tổng chiều dài đường thủy có thể khai thác vận tải lên đến 975 km. Luồng tuyến tương đối thuận lợi về cả 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc, nối kết với các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ. |
Trong giai đoạn 1, trước mắt chỉ đầu tư loại tàu 80 ghế cho cả hai tuyến. Mỗi tuyến sẽ có 4 chiếc (kinh phí 3,5 tỉ đồng/chiếc). Cứ 15 phút sẽ có 1 chuyến khởi hành vào giờ cao điểm (từ 7 giờ đến 8 giờ 30 phút, từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ) và dãn cách ra lúc thấp điểm. Sau khi tính toán chi phí, công ty Thường Nhật đề xuất giá vé là 15.000 đồng/vé trọn lộ trình chuyên chở, cao hơn xe buýt 4 – 5 lần. Do đó, hành khách mà buýt đường sông nhắm tới là tầng lớp có thu nhập trung bình khá, chủ yếu là những công ty có văn phòng làm việc tại trung tâm TP. Dự kiến người tham gia giao thông chiếm tỉ lệ 70%, phần còn lại là khách du lịch. Vấn đề bến bãi được xem là quan trọng nhất và khó khăn nhất trong đề án này. Công ty Thường Nhật cho biết trong giai đoạn đầu chỉ cần đầu tư 4 bến hành khách đa chức năng và 12 bến nhỏ đón khách lên xuống dọc theo tuyến. Những vị trí đặt bến đa chức năng cũng đã được “chấm” cụ thể, gồm vị trí trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), khu vực Sài Gòn Pearl đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), đường số 20 phường Bình An (quận 2) và đường số 18 – khu phố 3 – phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức). Chi phí đầu tư 4 bến này khoảng 18 tỉ đồng (mỗi bến cần khoảng 2.000 m2 đất), còn 12 bến nhỏ khoảng 12 tỉ đồng. Do biên độ thủy triều ở TP khá lớn (tối đa có thể 3 m) nên bến đa chức năng và bến nhỏ sẽ được thiết kế theo hình thức có hai cầu dẫn (một lên một xuống), phao nổi đặt cách bờ khoảng 7 – 10 m. Quỹ đất ở dọc kênh Bến Nghé - Tàu Hũ rất hạn hẹp nên những bến nhỏ cũng sẽ được nghiên cứu làm theo dạng hình ống để không chiếm luồng vận chuyển, quan trọng nhất là đặt ở những vị trí kết nối với hệ thống vận tải đường bộ. Hai lộ trình chạy tàu cũng không bị ảnh hưởng bởi dao động sóng do bờ kè trên 2 tuyến đã được hoàn thiện.
Bến Bạch Đằng sẽ trở thành bến đa chức năng cho các tuyến buýt trên sông ở TPHCM. Ảnh: TẤN THẠNH
Tổng số vốn đầu tư cho cả hai tuyến buýt đường sông dự kiến tối thiểu khoảng 58 tỉ đồng, trong đó Công ty Thường Nhật đầu tư tàu thủy và bến đa chức năng với tổng vốn 46 tỉ đồng, phần còn lại do TP đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn kiến nghị TP hỗ trợ phần chênh lệch nhiên liệu theo hình thức trợ giá dầu trên từng chuyến tàu vận chuyển, cho thuê đất dài hạn, miễn thuế trong 5 năm đầu tiên... Hiện tại Sở GTVT đang xem xét đề án này trình UBND TP trong thời gian tới.
ÁNH NGUYÊT Báo Người Lao Động |