Phố phường Thủ Dầu Một bên sông - Ảnh: Trần Thế Dũng
TT - Bỏ lại sau lưng những tòa nhà sừng sững và phố xá ồn ào đầy khói bụi, chúng tôi rời bến Bạch Đằng trên hai chiếc canô ngược sông Sài Gòn hướng ra Củ Chi. Trời trong, nắng nhạt, canô lướt nhẹ trên mặt nước tạo cảm giác bồng bềnh, phấn chấn.
Vòng quanh bán đảo Thanh Đa, canô lướt qua dạ cầu Bình Triệu, Bình Phước rồi qua Phú Long. Lục bình giăng khắp mặt sông, hai bên bờ trải dài những vườn cây ăn trái xanh ngắt. Tiếp đến là Lái Thiêu với quang cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền.
Các ghe thương hồ bận rộn vận chuyển lu khạp, chậu kiểng, chén bát từ các lò gốm lên thuyền đợi nước ròng, xuôi về TP.HCM rồi rẽ qua kênh Tẻ - kênh Đôi xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hoặc sang tận Campuchia.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà ông Trần Văn Hổ - đốc phủ sứ thời Pháp thuộc - nằm trên đường Bạch Đằng, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương. Công trình kiến trúc cổ theo dạng chữ đinh bằng gỗ quý được gia công, chạm trổ tinh xảo.
Dạo một vòng thị xã, một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia khác không thể bỏ qua là Hội Khánh cổ tự, tọa lạc trên lưng đồi giữa hàng cây cao bóng cả với tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài 52m, đã được Trung tâm Sách kỷ lục trao quyết định xác lập tượng Phật nằm lớn nhất VN...
Không như vùng hạ lưu lúc nào cũng đông đúc tàu thuyền, đường lên thượng nguồn sông Sài Gòn, nhất là đoạn vào địa phận Củ Chi càng lúc càng vắng vẻ. Thỉnh thoảng lại bắt gặp đàn cò trắng sải cánh giữa trời mây bồng bềnh. Cảnh vật thiên nhiên mộc mạc, yên bình.
Xế trưa canô băng ngang khu di tích địa đạo Bến Đình và không lâu sau đó đã cặp bờ di tích địa đạo Bến Dược. Nhìn mái đền Bến Dược mang dáng dấp kiến trúc đền đài cổ xưa cùng tháp chính vươn cao giữa bầu trời xanh, ai cũng vui bởi đã hoàn thành “sứ mệnh” khai phá tuyến du lịch trên sông bấy lâu còn bỏ ngỏ.
Chiều về, vẫn con nước ngầu đục, vẫn những đám lục bình trôi dập dềnh, những chiếc cầu bêtông đồ sộ ầm ì xe chạy trên đầu... nhưng cảnh vật đã đổi khác: ghe thuyền thong dong gác máy, trên bờ đê trẻ em đua nhau thả diều, từng đàn chim cò thong thả bay về phía rặng dừa xa xa. Mặt trời tựa khối cầu lửa đang chìm dần dưới dòng sông.
Một ngày du ngoạn trên sông Sài Gòn, dù còn “cưỡi ngựa xem hoa” nhưng cũng để chúng tôi ngộ ra bao điều mới lạ, đặc biệt tiềm năng du lịch vùng đất Thủ Dầu Một vốn được cho là khó thu hút du khách.
Ông Nguyễn Việt Anh, trưởng Phòng quản lý lữ hành - Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM, cho biết:
- Thời gian qua chúng tôi đã tiến hành khảo sát, xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đường sông TP.HCM, khai thác một số tour tầm ngắn và nay tiếp tục mở ra hướng Củ Chi - Bình Dương. Hi vọng tuyến du lịch này sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn vài năm tới.
* Là một đô thị đặc trưng kênh rạch với dòng sông Sài Gòn chảy qua trung tâm, nhưng lâu nay ngành du lịch TP.HCM thật sự đã khai thác hết tiềm năng này?
- Ngoại trừ loại hình du lịch MICE, một vài tour tham quan, mua sắm... sản phẩm du lịch TP.HCM đúng là còn tương đối đơn điệu, chưa hấp dẫn. Với việc phát triển du lịch đường sông, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần đa dạng hóa hình thức “city tour” TP.HCM, góp phần thay đổi diện mạo hai bên bờ sông Sài Gòn.
Dĩ nhiên sẽ còn rất nhiều khó khăn như phải quy hoạch hai bên bờ sông các điểm dừng, phối hợp các ban ngành phát triển, khai thác tour... Tuy nhiên, nếu làm được điều này và xây dựng kế hoạch dài hạn cho 5-10 năm sau thì khi đô thị mới Thủ Thiêm hoàn thành sông Sài Gòn sẽ trở nên rất đẹp.
Nếu không làm từ bây giờ, chúng ta sẽ mất cơ hội và không bao giờ làm được.
H.TR. ghi
|
TRẦN THẾ DŨNG
Báo Tuổi Trẻ
Chủ Nhật, 20/03/2011, 06:12
Nguồn: http://dulich.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=429739&ChannelID=100
|